“Vắcxin” là không ăn thịt lợn bệnh

Thời tiết nắng, nóng thất thường là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm xuất hiện. Bệnh viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do loại vi khuẩn mang tên Streptoccus suis gây nên hiện rất đáng lo ngại vì bệnh có liên quan từ thịt lợn mang vi khuẩn. Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia trong 2 tuần qua đã ghi nhận những bệnh nhân mắc loại vi khuẩn này, nhiều người nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, phải thở máy.

Mùa hè thời tiết thất thường dễ gây bệnh cho trẻ em.


Tỷ lệ tử vong cao

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, loại vi khuẩn này đột nhập vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết hoặc gây viêm màng não mủ. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, thanh niên và những người trên 60 tuổi. Đặc biệt, bệnh dễ gặp ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch, người bị cắt lách, suy chức năng thận, mắc bệnh tim phổi mạn tính, đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, chấn thương sọ não... Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc bệnh này rất cao, khoảng 200 ca/100.000 dân mỗi năm. Ở Việt Nam chưa thống kê nhưng tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh tương đối cao, từ 10 đến 30%. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong 2 năm 2005 và 2006, các chuyên gia y tế đã ghi nhận hơn 70 trường hợp mắc bệnh. Bệnh viện Nhi TƯ và Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia trong năm 2006 cũng đã ghi nhận gần 20 trường hợp nhập viện để điều trị loại bệnh nói trên.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu - điều trị tích cực của Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia cho biết: Khi bị mắc bệnh, biểu hiện chủ yếu là sốt, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ, họng, thậm chí bị hôn mê, liệt, nổi ban đỏ thẫm toàn thân... Bệnh diễn biến phức tạp, có thể dẫn đến suy các chức năng hô hấp, gan, thận... rồi tử vong. Để xác định chính xác bệnh, bác sỹ sẽ phải chọc dò tủy sống, lấy mẫu dịch não tủy của bệnh nhân để thử nghiệm. Đối với trẻ nhỏ, khi có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, biếng ăn mà không kịp đưa trẻ tới bệnh viện thì để tránh tình trạng mất nước, cha mẹ hãy cho trẻ uống nước (pha chút đường và muối) từ 10-15 phút/lần từng lượng nhỏ; cặp nhiệt độ thường xuyên; hạ nhiệt bằng mọi cách để tránh co giật (lau người bằng nước ấm, uống paracetamol hoặc nhét viên hạ sốt vào hậu môn, cho trẻ mặc quần áo mỏng, nằm nơi thoáng nhưng phải kín gió).

Chưa có vắcxin

Điều đáng lưu tâm là vi khuẩn Streptoccus suis lưu trú ở đường hô hấp của lợn. Người bị mắc bệnh có nguyên nhân từ việc tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn, ăn sản phẩm thịt lợn mắc bệnh chưa được nấu chín. Vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương trên da, niêm mạc của miệng, mũi. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh và vì thế, để phòng bệnh có hiệu quả, người dân tuyệt đối không giết mổ, ăn thịt lợn bệnh. Cách để mọi người lựa chọn thịt lợn an toàn là nhìn vào biểu hiện của sản phẩm. Khi con vật đã bị mắc bệnh thì chúng đều có những biểu hiện cơ bản rất giống nhau. Ở trạng thái bên ngoài, màu của thịt hơi xanh hoặc hơi thâm, thậm chí bị đen, không bóng. Lớp mỡ của miếng thịt màu tối, độ rắn giảm sút, mùi vị ôi, mặt khớp có nhiều nhớt. Khi ấn ngón tay vào miếng thịt sẽ để lại vết lõm, một lúc mới trở về trạng thái bình thường, không có sự đàn hồi. Tủy róc ra khỏi ống tủy có màu tối hoặc nâu, có mùi hôi. Còn thịt an toàn là thịt có màu sắc tự nhiên, da của con vật kín, lành lặn, không có vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ. Thịt ấn vào có sự đàn hồi, bóng sáng, mỡ màu trắng, không còn máu đọng trong mạch máu...

Với người chăn nuôi, cần phải phát hiện sớm lợn bệnh, cách ly và điều trị kịp thời cho đến khi lợn khỏi hẳn bệnh mới cho nhập đàn. Khi lợn đã bị bệnh, chết thì cần tiến hành xử lý đúng quy trình với ổ dịch truyền nhiễm, tức là chôn lợn chết, đổ thuốc sát trùng hoặc tiêu hủy; chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát trùng, để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.

Các cơ sở chăn nuôi lợn và những người phải làm việc trong cơ sở chăn nuôi như công nhân, nhân viên, thầy thuốc thú y cần sử dụng đầy đủ trang bị bảo hộ khi làm nhiệm vụ để tránh bị lây nhiễm bệnh từ lợn. Khi có triệu chứng sốt cao, khó thở... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

0 Response to "“Vắcxin” là không ăn thịt lợn bệnh"

Post a Comment

Powered by Blogger