Ốc bươu vàng: Nỗi kinh hoàng trên đồng ruộng và bàn ăn
Những ngày gần đây, dư luận Trung Quốc chấn động bởi tin 87 người ở thủ đô Bắc Kinh đã bị bệnh viêm màng não, sau khi họ ăn món ốc tái hoặc ốc sống.
Đây là món ăn được bán tại hai nhà hàng Tứ Xuyên mang tên “Thục quốc diễn nghĩa”.
Được gọi dưới cái tên mĩ miều là “ốc phúc thọ”, nhưng thực ra đây chính là loài ốc bươu vàng - loại động vật từng tàn phá hàng loạt những vườn rau và ruộng lúa tại miền nam Trung Quốc.
Bộ Y tế Trung Quốc đã cảnh báo dân chúng không nên ăn ốc sống hoặc tái, đồng thời nghiêm cấm những quán ăn nào bán các loại ốc không nấu chín.
Một nhà khoa học của Viện Vi trùng và Dịch tễ học, thuộc Viện Nghiên cứu dược quân đội Trung Quốc cho biết, mỗi con ốc có nguồn gốc từ vùng đầm lầy Amazone này có chứa từ 3000 đến 6000 ký sinh trùng được gọi là “sán Quảng Châu”, có thể gây hại cho hệ thần kinh của người, dẫn đến các triệu chứng đau đầu, liệt cơ mặt, viêm màng não và sốt.
Mỗi bệnh nhân sau khi được điều trị 3 tuần có thể về nhà, tuy nhiên những con sán thì vẫn còn ở lại trong cơ thể nên nguy cơ tái phát bệnh… là rất cao.
Qua điều tra được biết, trước khi làm hại những thực khách Bắc Kinh loài ốc này đã tàn phá khoảng 10 vạn ha ruộng đồng ở Quảng Đông, Quảng Tây… Người Nhật rất thích chén món ốc đóng hộp nên ốc bươu đã được nhập đầu tiên vào khu vực Đông Nam Á hồi những năm 1970, sau đó vào Đài Loan.
Đến thập niên 80 của thế kỷ trước nó được nhập vào Quảng Đông như là một loại thực phẩm có độ đạm cao. Lúc đầu nó được nuôi trong khu riêng ở Quảng Châu, nhưng sau đó nhanh chóng phát triển ra các tỉnh lân cận. Người Quảng Đông cũng thích chén món “đặc sản” này, nhưng rồi nó bị chê do thịt cứng và nhạt.
Cơn sốt ốc “Phúc thọ” hạ nhiệt dần, các khu hồ ao nuôi ốc thu hẹp lại, người ta bán tống bán tháo chúng với giá rẻ, thậm chí bỏ đói, không ngó ngàng đến chúng nữa. Do điều kiện khí hậu nóng ẩm ở phương nam rất phù hợp nên loài ốc này phát triển rất nhanh, chúng bò ra ngoài các khu chăn nuôi kiếm ăn, sinh nở và phát tán rộng theo dòng nước.
Người ta tính rằng nếu vứt một con ốc xuống sông thì sau một năm nó sẽ sinh sôi thành hàng vạn con. Hiện nay ốc “Phúc thọ” đã trở thành dịch ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến, Triết Giang. Để diệt ốc, người ta phải sử dụng thuốc trừ sâu với nồng độ cao.
Bộ Y tế Trung Quốc đã ra thông báo cho rằng ăn sống các loại thủy sản nước ngọt là một hành vi nguy hiểm, có thể gặp nguy hại về sức khỏe, các nhà quản lý, nhà kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng đều cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa, kiên quyết không bán, không ăn những món thủy sản nước ngọt tái hoặc còn sống.
0 Response to "Ốc bươu vàng: Nỗi kinh hoàng trên đồng ruộng và bàn ăn"
Post a Comment