Tiêm ngừa không bảo đảm miễn nhiễm viêm màng não
Mấy ngày nay, tại quận Thủ Đức, TP HCM, nhiều người đổ xô đi tiêm ngừa bệnh viêm màng não, do lo ngại bệnh dịch bùng phát. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng I TP HCM, cho biết việc tiêm ngừa không hẳn đã mang lại hiệu quả.
Nguyên nhân của việc người dân kéo nhau đi tiêm ngừa là do tại 2 phường Bình Chiểu và Tam Bình của quận Thủ Đức có 4 trường hợp phải nhập viện vì bệnh viêm màng não trong tuần qua. Hai trong số đó đã tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (một thanh niên 18 tuổi và một phụ nữ 23 tuổi). Sau cái chết của hai trường hợp trên, người dân rất lo lắng. Họ đua nhau đưa con em đi tiêm phòng. Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 người đến trung tâm y tế quận để tiêm ngừa, đa số là trẻ em.
Phó giám đốc Y tế dự phòng Nguyễn Đắc Thọ cho biết, hai trường hợp tử vong được xác định là do viêm não mô cầu.
Theo bác sĩ Khanh, ở thời điểm dịch bệnh xảy ra và khi chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh thì việc tiêm ngừa thật sự không cần thiết. Vì bệnh viêm não mô cầu có 4 tuýp gây bệnh là A, B, C và D nhưng người mắc bệnh do tuýp A và B thường bị nặng hơn. Hiện trên thế giới tuýp B chưa có thuốc ngừa. Tại Việt Nam chỉ có văcxin ngừa tuýp A và C. "Nếu khi xác định được tuýp gây bệnh là B hay D, việc tiêm phòng hoàn toàn vô tác dụng", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Bệnh viêm não mô cầu do một loại vi trùng chỉ có ở người gây ra. Loại vi trùng này thường trú trong cổ họng một số người nhưng không gây bệnh (y khoa gọi là người lành mang trùng). Có một số người bị lây vi trùng từ người lành mang trùng và phát bệnh, điều này phụ thuộc vào các kháng thể của từng người. Người bị nhiễm bệnh cấp nhẹ nhất chỉ bị viêm họng và có thể tự khỏi. Nếu ở cấp độ nặng, vi trùng vào não gây viêm màng não; vào máu gây nhiễm khuẩn huyết não mô cầu. Ở thể tối cấp, bệnh nhân vừa bị viêm màng não vừa bị nhiễm khuẩn huyết não mô cầu.
Môi trường sống ô nhiễm tù túng, ẩm thấp là nguyên nhân quan trọng để dịch bệnh xuất hiện. Bằng chứng là những ca bệnh vừa qua đều xuất phát từ khu vực nhà trọ tạm bợ của người lao động. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng theo ghi nhận qua thực tế, lứa tuổi dễ mắc bệnh nhất thường từ 5 đến 15 tuổi và người làm các công việc lao động nặng nhọc. Thời tiết lạnh là điều kiện lý tưởng để bệnh viêm não mô cầu phát triển. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc vật dụng nhiễm bẩn của người bệnh. "Người nào sức đề kháng càng mạnh bệnh phát càng nặng. Thực tế điều trị cho thấy, các bệnh nhi mắc bệnh này toàn là các bé rất khỏe mạnh, đó là một điều kỳ lạ, và chưa có nghiên cứu y học nào giải đáp được vì sao lại như thế", bác sĩ Khanh cho biết thêm.
Cũng theo ông Thọ, viêm não mô cầu rất ít xuất hiện tại TP HCM. Hơn 20 năm qua thỉnh thoảng mới có một ca. Đây là lần đầu tiên xuất hiện mấy ca liên tiếp và tập trung ở một khu vực.
Mặc dù rất ít xảy ra, vi trùng viêm não mô cầu có khả năng nhân hình lên rất nhanh khi phát bệnh nếu gặp điều kiện thuận lợi. Người mắc bệnh ở cấp độ nặng có thể tử vong sau 12 giờ.
Do đó, nếu nhiễm bệnh, người dân cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Triệu chứng ban đầu của viêm não mô cầu là sốt cao đột ngột, nhức đầu, mệt mỏi và xuất hiện những đốm chấm xuất huyết dưới da sau một thời gian ngắn. Khi có các triệu chứng trên cần lập tức đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Khi trong nhà có người mắc bệnh hay đang sống trong vùng có dịch, có tiếp xúc với người bệnh phải lập tức đi tham vấn bác sĩ để được hướng dẫn uống kháng sinh phòng ngừa. Kháng sinh sẽ đảm bảo an toàn cho người chưa nhiễm bệnh sống trong vùng dịch nhưng tuyệt đối không được tự sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Cách tốt nhất để phòng tránh dịch bệnh vẫn là giữ cho môi trường sống thật thông thoáng và vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Sau khi được báo tình hình dịch bệnh, Trung tâm y tế dự phòng đã thực hiện sát khuẩn môi trường bằng thuốc khử trùng; bác sĩ cũng đã tham vấn và cho những người có tiếp xúc với người bệnh uống kháng sinh phòng bệnh và giải thích nguyên nhân gây bệnh. Hiện các mẫu bệnh phẩm được gửi về Viện Pasteur để xác định nguyên nhân.
0 Response to "Tiêm ngừa không bảo đảm miễn nhiễm viêm màng não"
Post a Comment