Những ký sinh trùng bí ẩn
Mỗi năm, chỉ tính riêng Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có hàng trăm bệnh nhân (BN) đến điều trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra với nhiều biểu hiện lạ như: khối u cỡ hạt sầu riêng tự di chuyển dưới da, hôn mê vì hít phân dơi, viêm màng não do đi chân không…
Nhiều loại ký sinh trùng luôn "mai phục" trong những món ăn khoái khẩu
Chỉ tại đi chân không
Đang ngồi chơi trong nhà, ông Võ Văn H., 33 tuổi, bỗng dưng lên cơn sốt đột ngột, tri giác lơ mơ. Sau khi xét nghiệm và soi phân, các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới chẩn đoán BN bị viêm màng não do nhiễm giun lươn ((Strongyloides stercoralis). TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Trưởng khoa Xét nghiệm của BV cho biết, chỉ trong một năm, BN này đã ba lần bị viêm màng não do giun, lươn gây ra. Ngay lần đầu tiên, BN đã được “tẩy giun” nhưng ấu trùng giun ở đường ruột vẫn chưa sạch, lại tiếp tục di chuyển lên não và tủy sống theo đường máu, khiến BN bị viêm màng não tái phát.
Giun lươn được thế giới biết đến lần đầu tiên tại Việt Nam năm 1872 và trở thành bệnh rất phổ biến. Mỗi năm, BV Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận hơn 100 ca mắc bệnh do giun lươn gây ra. Giun lươn sống ở những vùng đất ẩm, “lẻn” qua da bàn chân, lên mạch máu tấn công cơ thể lúc nào không biết. Khi mắc bệnh, giun lươn có thể gây tổn thương đa dạng, từ xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, tiêu chảy, viêm màng não, tràn dịch màng phổi, màng bụng… sẽ bị suy nhược thiếu đạm, mệt mỏi, vì giun lươn tiêu hao phần dinh dưỡng vitamin, đạm, sắt ở ruột non. Nhiều trường hợp, giun lươn còn chui lên dạ dày, gây loét kéo dài mà không thuốc nào điều trị được.
U chạy lòng vòng?
BN T.T.D., 37 tuổi, đến BV Bệnh Nhiệt đới vì mang một khối u cỡ hạt sầu riêng, có thể tự di chuyển một cách lạ lùng: hôm nay nằm ở cổ, ngày mai lại nằm ở gò má… Sau khi khám và xét nghiệm máu, BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn - Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn của BV cho biết, BN bị nhiễm giun đầu gai (Gnathostoma spinigerum). Mỗi năm, BV điều trị cho gần 30 BN bị nhiễm giun đầu gai do ăn lẩu lươn, cá lóc trui, tôm nướng… không chín. Giun đầu gai là một loại giun nhỏ, đầu tròn có bốn hàng gai, sống ký sinh ở chó, mèo, heo... Chúng đẻ trứng ra ngoài theo phân của các loài động vật này. Ấu trùng trưởng thành của giun đầu gai có kích cỡ bằng hạt mè, sống bám ở các cơ, vách thành ruột của lươn, cá, ếch, nhái, chuột, chim… Do đó, nếu ăn thịt các loại động vật có ấu trùng giun chưa được nấu chín sẽ dễ mắc bệnh.
Khi vào cơ thể người, chúng thường ký sinh thành một khối u dưới da; có thể gây đau, nóng, đỏ, dễ gặp ở mu bàn tay, lưng, mông. Khối u cũng có thể di chuyển khắp nơi trong nội tạng gây phù nề, chèn ép lên các bộ phận khác trong cơ thể, có thể ký sinh ở ruột, phổi, não, cơ… Nếu chúng vào gan, vào phổi, người bệnh có thể khó thở, đau ngực, ho, đau bụng. Giun đầu gai còn gây viêm màng bồ đào, mống mắt, xuất huyết mắt gây giảm thị lực, mù lòa… Những BN bị ấu trùng di chuyển lên hệ thần kinh trung ương, có thể bị hôn mê nhiều ngày, thậm chí tử vong.
Bỗng dưng mù mắt
Sau một tháng đau đầu, không sốt, BN N.K.P., 16 tuổi (học sinh một trường chuyên ở An Giang) bắt đầu nhìn mờ, lé mắt. Nhập viện mới biết, P. bị nhiễm một loại nấm gây viêm màng não có tên là Cryptococcus neoformans. Vì nhập viện trễ nên dây thần kinh thị giác teo lại, hai mắt BN đã mờ, không thể chữa khỏi. Năm 2009, BV Bệnh Nhiệt đới đã điều trị gần 200 trường hợp viêm màng não do nấm. Đây là loại nấm hoại sinh, sống chủ yếu trong ruột của dơi, chim bồ câu, rồi theo phân ra ngoài phát tán trong không khí. Chúng còn tồn tại ở những vùng đất ẩm, vỏ cây bạch đàn. Khi cơ thể hít bào tử nấm vào phổi, chúng sẽ “leo thang” lên não gây viêm màng não.
Theo GS Trần Vinh Hiển - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh, ĐH Y Dược TP.HCM, bệnh chủ yếu gây viêm màng não vì nấm Cryptococcus neoformans rất thích môi trường chứa nhiều lipid như não. Tuy nhiên, nấm còn có thể gây bệnh trực tiếp tại phổi như: viêm phế quản, ho, đờm có ít máu; hoặc phát tán khắp cơ thể theo đường máu gây sẩn da, loét da, viêm khớp ở đầu gối... Bệnh dễ nhầm với viêm màng não do lao vì biểu hiện ban đầu mơ hồ như nhức đầu, sốt hoặc không sốt. Bệnh thường tái phát nhiều đợt, nếu điều trị không kịp có thể dẫn đến mù mắt, tử vong!
Đừng để bệnh tái phát
Trong ba loại ký sinh trùng nêu trên, các BS lo ngại nhất là giun lươn, vì chúng hiện diện khắp nơi, cả nông thôn lẫn thành thị và dễ tái phát. Nhiều loại giun khác khi ký sinh vào cơ thể người sẽ chết khi già đi, nhưng giun lươn thì vẫn tiếp tục sinh sản “thế hệ sau”, ngay trong cơ thể người. Thậm chí, điều trị xong, nếu vẫn tiếp tục đi chân không, giun lươn trong đất ẩm vẫn có thể lẻn vào da tiếp tục gây bệnh. Nếu BN không điều trị sẽ bị nhiễm suốt đời. Khi cơ thể suy yếu hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, giun lươn sẽ bùng phát lên thành bệnh cảnh nặng, có thể dẫn đến tử vong. Tốt nhất là không nên đi chân không ở những vùng đất ẩm thấp.
Cách phòng ngừa giun đầu gai đơn giản là phải ăn chín các loại lươn, tôm, cá lóc, nhất là lươn hoang dã, vì đây là nguồn lây bệnh chủ yếu. Theo khảo sát mới đây của BS Siêu, có hơn 10% lươn bị nhiễm ấu trùng giun đầu gai và bệnh giun đầu gai thường gặp ở người dân các tỉnh phía Nam vì khoái khẩu các món tôm nướng, cá lóc trui, lẩu lươn.
Với bệnh viêm màng não do nấm, BS Siêu cho biết, trước đây ở nước ta đây là bệnh thuộc loại hiếm nhưng gần đây số BN nhập viện ngày càng nhiều. Bệnh viêm màng não thường phát triển chậm trong nhiều tháng. Bệnh khởi đầu với biểu hiện đau đầu vùng trán, sốt hoặc không sốt, sau đó cơn nhức đầu càng lúc càng dữ dội. Sau một thời gian, BN thường có triệu chứng buồn ngủ, chóng mặt, lú lẫn, cứng cổ, buồn nôn, ói mửa, liệt chi, mờ mắt. Nếu bệnh nặng sẽ hôn mê, tử vong, nhất là những BN bị suy giảm miễn dịch. Người mắc bệnh thường do cơ địa yếu, sức đề kháng giảm do sử dụng thuốc corticoid điều trị một số bệnh như: ung thư, các bệnh về máu, hen suyễn, lao, HIV. Tuy nhiên, cũng có nhiều BN mắc bệnh hoàn toàn khỏe mạnh nhưng do hít quá nhiều nấm Cryptococcus neoformans khiến hàng rào miễn dịch của phổi bị phá hủy; chủ yếu là những người nuôi chim bồ câu, nuôi dơi, trồng cây bạch đàn. Thời gian điều trị bệnh rất lâu, ít nhất từ một - ba tháng; có khi kéo dài hơn một năm. Lo ngại nhất là bệnh tái phát thành nhiều đợt, nếu điều trị không kịp dễ dẫn đến mù mắt, tử vong. Để phòng bệnh, cách tốt nhất phải vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với phân chim bồ câu, phân dơi. Các hộ gia đình nuôi chim bồ câu, dơi nên khám sức khỏe định kỳ để tránh những biến chứng do nấm gây ra.
0 Response to "Những ký sinh trùng bí ẩn"
Post a Comment