Bệnh viêm màng não

Viêm màng não là bệnh viêm nhiễm của màng não, nguyên nhân gây bệnh có thể là vi trùng hay siêu vi trùng. gây bệnh này thường từ vùng tai mũi họng bị viêm nhiễm đi vào màng não và gây viêm màng não. Bệnh thường gặp ở trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, nhưng trẻ lớn và người lớn cũng có thể mắc bệnh viêm màng não.

Bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng thường gặp nhiều vào khoảng tháng 10 đến tháng 3, hay gặp nhiều sau những đợt dịch cảm cúm. Viêm màng não là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không điều trị hay điều trị trễ bệnh có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù lòa, động kinh, yếu liệt tay chân hay nặng hơn trẻ không còn nhận biết được người thân dù đã điều trị khỏi bệnh, nhưng nếu điều trị kịp thời trẻ sẽ khỏi bệnh và hoàn toàn bình thường.

Dấu hiệu của bệnh viêm màng não có thể xuất hiện rất nhanh ngay trong ngày đầu tiên của bệnh hay xuất hiện sau một vài ngày sốt, ho, sổ mũi bằng các triệu chứng như sau:
  • Trẻ lớn: sốt cao, than đau đầu, đau gáy, ăn kém, nôn ói, cổ cứng.
  • Trẻ nhỏ: sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, ngủ nhiều, nôn ói, cổ cứng, trẻ còn thóp có thể thấy thóp phồng căng.
  • Riêng trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể không sốt mà chỉ có biểu hiện bỏ bú, khóc thét hay ngủ nhiều.
  • Khi nặng hơn trẻ sẽ bị làm kinh, co giật, li bì, hôn mê.
Các triệu chứng trên sẽ xuất hiện ngày càng nặng hơn nếu không được điều trị.

Diễn biến của bệnh tùy thuốc vào nguyên nhân gây bệnh: nếu nguyên nhân là vi trùng bệnh sẽ gây tử vong hay để lại di chứng nặng khi trẻ không được điều trị kịp thời, còn nếu nguyên nhân là siêu vi trùng thì đa số trẻ sẽ tự khỏi cũng như các trường hợp nhiễm siêu vi trùng khác (như nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp gây ra cảm cúm, ho, sổ mũi; nhiễm siêu vi trùng đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy, ói). Tuy nhiên, bệnh viêm màng não dù do nguyên nhân vi trùng hay siêu vi trùng đều cần phải điều trị và theo dõi tại bệnh viện để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh, ngoài ra để có thể biết được viêm màng não là do vi trùng hay do siêu vi trùng thì cần phải làm những xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm nước màng não (nước não tủy) và theo dõi cẩn thận tại bệnh viện. Một số phụ huynh không đồng ý cho bác sĩ lấy nước màng não xét nghiệm có thể gây chậm trể cho việc chẩn đoán bệnh.

Để điều trị khỏi và không có di chứng một trẻ mắc bệnh viêm màng não do vi trùng (còn gọi là viêm màng não mủ) thì cần phải cho trẻ nhập viện sớm, sử dụng kháng sinh mạnh và phải nằm viện nhiều ngày, trong khi viêm màng não do siêu vi trùng thì không cần thiết phải điều trị kháng sinh và thời gian theo dõi điều trị tại bệnh viện cũng chỉ kéo dài từ 3 đến 5 ngày.

Để phát hiện kịp thời bệnh viêm màng não mủ phụ huynh nên mang trẻ đến bác sĩ khám khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, nôn ói, đau đầu, bỏ ăn, bỏ bú, biếng chơi, thóp phồng và cần mang trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như làm kinh, co giật, li bì, hôn mê.

Đối với trẻ có triệu chứng nghi ngờ viêm màng não mà chưa thể đến bác sĩ khám được thì việc điều trị tại nhà chủ yếu là hạ sốt bằng Paracetamol và quan trọng nhất là theo dõi tình trạng bệnh của trẻ, nếu trẻ bị viêm màng não thì các triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu, biếng ăn, biếng chơi sẽ diễn biến ngày càng nặng hơn, do đó khi thấy các triệu chứng trên không giảm sau 1 ngày hay mỗi lúc mỗi nặng hơn thì nên mang trẻ đến bệnh viện ngay.

Vì bệnh viêm màng não là bệnh rất nguy hiểm và điều trị rất tốn kém nên việc phòng bệnh là rất quan trọng. Để phòng ngừa bệnh viêm màng não nên giữ ấm cho trẻ, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và nhất là lúc có dịch cảm cúm xảy ra. Cần điều trị kịp thời, tránh để trẻ bị viêm mũi họng kéo dài cũng như cần điều trị ngay khi trẻ bị chảy mủ tai.

Khi có điều kiện nên cho trẻ chích ngừa vắcxin phòng viêm màng não do HIB (Hémophillus influenza type B) đây là loại vi trùng gây nên 70% các trường hợp viêm màng não ở trẻ em. Có thể bắt đầu chích ngừa cho trẻ lúc 2-3 tháng tuổi hay bất kỳ thời điểm nào ở trẻ dưới 5 tuổi theo lịch sau:
  • Trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng: chích 3 liều mỗi liều cách nhau 1 tháng, có thể chích nhắc lại lúc 18 tháng.
  • Trẻ từ 7 tháng đến 11 tháng: chích 2 liều cách nhau 1 tháng, có thể chích nhắc lại lúc 18 tháng.
  • Trẻ từ 12 đến 14 tháng: chích l liều và chích nhắc lại 1 liều lúc 18 tháng.
  • 15 – 59 tháng: chích l liều duy nhất.
Trẻ trên 5 tuổi không cần thiết phải chích ngừa loại vaccin này vì vi trùng này rất ít khi gây viêm màng não mủ ở trẻ trên 5 tuổi.

Điều quan trọng phụ huynh cần biết là bệnh viêm màng não và bệnh viêm não Nhật Bản là 2 bệnh khác nhau do vậy dù đã chích ngừa viêm não Nhật Bản thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não và dù đã chích ngừa HIB thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não vì viêm màng não có thể do nhiều loại vi trùng và siêu vi trùng gây ra.

BS. Trương Hữu Khanh - BV. Nhi Đồng 1

2 Response to "Bệnh viêm màng não"

  1. bác sỹ cho cháu hỏi,cháu bị viêm tai,đã đi khám và điều trị tại bệnh viện. bs cho cháu thuốc mang về uống và nhỏ tai tại nhà.2 hôm sau thì cháu có biểu hiện sốt,đau đầu nhiều và dai dẳng,kém ăn uống và bị nôn.cháu có mua thuốc giảm đau đầu nhanh và hạ sốt,sau 1 ngày bệnh đã thuyên giảm,ko còn sốt chỉ hơi đau đầu nhẹ.ko biết cháu có phải mắc bệnh viêm màng não ko ah.mong bs giải đáp cho cháu.cháu cảm ơn.

Post a Comment

Powered by Blogger