Cảnh giác với viêm màng não nước trong

Nhiều gia đình tưởng con bị sốt vi-rút thông thường, không đưa đi khám, dẫn đến hôn mê, liệt nửa người, thậm chí tử vong vì viêm màng não nước trong.


Bệnh thường xuất hiện sau một bệnh do vi-rút nào đó như sốt siêu vi, tiêu chảy, sởi, thủy đậu...

Triệu chứng không rõ ràng

Cả nhà bị sốt vi-rút nên khi bé Ngô Phương L., 10 tuổi (Bạch Mai, Hà Nội), bị sốt cao, gia đình cũng nghĩ em sốt vi-rút nên điều trị tại nhà. Chỉ 3 ngày sau, L. hôn mê rồi liệt cả người. Bác sĩ chẩn đoán L. bị viêm màng não nước trong và dù được điều trị tích cực đã 20 ngày, nhưng em vẫn chưa hồi phục vận động.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sốt vi-rút đang bùng phát và đó cũng là nguyên nhân khiến số bệnh nhi tăng cao. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 100 - 200 bệnh nhân tới khám, trong đó có 2 - 3 trẻ, tưởng chỉ bị bệnh thông thường như sốt, tiêu chảy, ho... nhưng khi xác định lại do viêm màng não nước trong.

Bệnh chủ yếu ở trẻ từ 2 - 15 tuổi. Điểm chung của loại bệnh này là trong nhiều trường hợp, trẻ chỉ có triệu chứng rất mơ hồ, giống như sốt, cảm bình thường, một số có biểu hiện sốt, nôn, trẻ lớn có thể kêu đau đầu, nặng sẽ co giật, hôn mê.

Đi viện nếu sốt 3 ngày không giảm

Viêm màng não nước trong nếu được điều trị sớm có tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh thấp hơn viêm màng não mủ và viêm não, điều trị cũng ít khó khăn hơn. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhi khi được phát hiện mắc bệnh đều ở tình trạng nặng, nguy kịch. Nguyên nhân là do các bà mẹ cứ nghĩ con mình chỉ bị viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy… thông thường mà không biết đó là những dấu hiệu ban đầu của căn bệnh nguy hiểm viêm màng não.

Đặc biệt, việc các bà mẹ tự ý cho con uống thuốc có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh ở trẻ, khiến bác sĩ khó chẩn đoán sớm và chính xác bệnh. Việc điều trị ở giai đoạn muộn có nguy cơ để lại các di chứng nguy hiểm như: giảm vận động, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, áp xe não, điếc, nghễnh ngãng… Vì vậy, TS Dũng khuyên: nếu không phát hiện các biểu hiện điển hình của viêm não, màng não, các bà mẹ cũng cần đưa con đến bác sĩ khi trẻ sốt 3 ngày không giảm.

Để chẩn đoán bệnh này, bắt buộc trẻ phải được xét nghiệm dịch não tủy. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nhiều gia đình sợ nguy hiểm cho con, nên có 10 bệnh nhân vào thì 9 bệnh nhân gia đình không cho chọc dịch não tủy. TS Dũng giải thích: để lấy dịch não tủy, bác sĩ tiến hành chọc dò tủy sống. Đây là một phương pháp phổ biến, chỉ khiến bệnh nhi bị đau hơn bình thường chứ không gây nguy hiểm cho trẻ. Vì thế, cha mẹ không nên lo sợ làm ảnh hưởng đến việc cứu chữa cho con mình bởi chỉ sau 1 - 2 ngày bị viêm não, bệnh đã có thể chuyển sang giai đoạn nặng hơn khiến não bị tổn thương, nguy cơ tử vong rất cao. Nếu cứu được cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề về thần kinh.

----------------------------
Viêm màng não nước trong (aseptic meningitis): thực ra không phải là một bệnh mà là một hội chứng với đặc điểm là có hội chứng màng não, nhưng các xét nghiệm vi sinh thông thường như: nhuộm Gram hay cấy DNT lại không tìm thấy được vi trùng sinh mủ.

Từ "nước trong" ở đây nhằm ám chỉ rằng không phải là :"viêm màng não mủ" vì trong viêm màng não mủ thì DNT thường có đục. Còn trong những ca viêm màng não nước trong, DNT sẽ có màu trong vắt (như màu sắc bình thường của DNT).

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên nhân chủ yếu gây viêm màng não nước trong là do siêu vi, một số ít là do lao, do tăng bạch cầu ái toan, giang mai và do chích ngừa viêm màng não...

0 Response to "Cảnh giác với viêm màng não nước trong"

Post a Comment

Powered by Blogger