Bệnh viêm màng não mủ - Làm sao phát hiện sớm?
Viêm màng não mủ là bệnh có thể gặp vào bất kỳ thời gian nào trong năm. Bởi vậy không ngày nào tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi TW không có bệnh nhi mắc viêm màng não mủ nằm điều trị.
Bác sĩ Phạm Thị Sửu - Trưởng khoa luôn trong tình trạng tất bật thăm khám bệnh cho các cháu. Những gương mặt nhỏ quắt lại vì sốt cao nằm trên tay mẹ.
Bác sĩ Sửu cho hay, có nhiều cháu bé nhập viện khi đã mắc bệnh vài ngày nên tình trạng bệnh khá nặng. Mỗi năm, tại BV Nhi TW có khoảng 100 trẻ nhập viện do bệnh viêm màng não mủ.
Ngày 17/3, trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc – Phó giám đốc bệnh viện cho biết, nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mủ có thể là vi trùng hay siêu vi trùng, đứng đầu là Haemophilus Influenzae.
Đây là loại vi trùng gây nên 70% các trường hợp viêm màng não ở trẻ em. Bệnh này thường xuất hiện sau khi vùng tai mũi họng bị viêm nhiễm, vi trùng đi vào màng não và gây viêm màng não mủ. Bên cạnh đó viêm màng não mủ thường đi vào máu rồi theo máu lên não khu trú.
Bệnh thường gặp ở trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi). Tuy nhiên những trẻ lớn và người lớn cũng có thể mắc bệnh viêm màng não mủ. Khi thấy trẻ có biểu hiện sổ mũi, cổ cứng, nhức đầu, sốt cao, nôn vọt thành vòi, đau đầu (với trẻ nhỏ chưa biết nói sẽ lắc đầu qua lại khi đau đầu), thóp phồng (với trẻ sơ sinh), trẻ ngủ li bì phải đưa tới khám tại cơ sở y tế. Trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể không sốt mà chỉ có biểu hiện bỏ bú, khóc thét hay ngủ nhiều.
Trẻ mắc bệnh chủ yếu là ở độ tuổi 0-36 tháng. Bệnh viêm màng não mủ lây qua đường hô hấp, dịch mũi, nước bọt cần cách ly trẻ bị bệnh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Trong trường hợp phát hiện bệnh muộn thì dù điều trị khỏi bệnh vẫn để lại những biến chứng như điếc, liệt, thần kinh, câm, ngớ ngẩn... Nếu được phát hiện bệnh sớm trẻ sẽ trở lại bình thường sau khi được điều trị khỏi.
Để điều trị khỏi và không có di chứng cần phải cho trẻ nhập viện sớm, sử dụng kháng sinh mạnh và phải nằm viện nhiều ngày. Trong khi viêm màng não do siêu vi trùng thì không cần thiết phải điều trị kháng sinh và thời gian theo dõi điều trị tại bệnh viện cũng chỉ kéo dài từ 3 đến 5 ngày.
Bác sĩ Lộc khuyến cáo bệnh viêm màng não mủ là bệnh rất nguy hiểm và điều trị rất tốn kém nên việc phòng bệnh là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng vaccine phòng vi khuẩn Haemophilus Influenzae, phế cầu.
Kể cả khi đang có dịch viêm màng não mủ xảy ra cha mẹ vẫn có thể cho con đi tiêm vaccine phòng bệnh vì sau khi tiêm từ 3 - 4 ngày cơ thể trẻ đã sinh ra kháng thể phòng bệnh.
Vào những ngày thời tiết thay đổi, để phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ nên giữ ấm cho trẻ, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và nhất là lúc có dịch cảm cúm xảy ra.
Cần điều trị kịp thời, tránh để trẻ bị viêm mũi họng kéo dài cũng như cần điều trị ngay khi trẻ bị chảy mủ tai. Nếu trẻ có biểu hiện như cúm, sốt, cần đưa đến bệnh viện để được điều trị ngay.
Các bác sĩ cũng lưu ý các bậc phụ huynh một điều đó là bệnh viêm màng não mủ và bệnh viêm não Nhật Bản là 2 bệnh khác nhau. Bởi vậy dù đã tiêm phòng viêm não Nhật Bản thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não mủ.
---------------------
Có thể bắt đầu tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ lúc 2-3 tháng tuổi hay bất kỳ thời điểm nào ở trẻ dưới 5 tuổi theo lịch sau: Trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng tiêm 3 liều mỗi liều cách nhau 1 tháng, có thể tiêm nhắc lại lúc 18 tháng. Trẻ từ 7 tháng đến 11 tháng tiêm 2 liều cách nhau 1 tháng, có thể tiêm nhắc lại lúc 18 tháng. Trẻ từ 12 đến 14 tháng tiêm 1 liều và tiêm nhắc lại 1 liều lúc 18 tháng. Trẻ từ 15 – 59 tháng tiêm 1 liều duy nhất.
0 Response to "Bệnh viêm màng não mủ - Làm sao phát hiện sớm?"
Post a Comment