Tiếp tục xuất hiện bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho hay rải rác vẫn xuất hiện bệnh nhân viêm màng não do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn (heo) vào viện.
Theo ông Cấp, từ đầu năm đến nay riêng khoa điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân viêm màng não, xuất huyết ngoài da hoặc sốc do nhiễm vi khuẩn liên cầu. Trong số này có một bệnh nhân ở Sóc Sơn (Hà Nội) phải cưa chân do vùng xuất huyết rộng, gây hoại tử gần hết các đầu ngón chân. Thậm chí vết hoại tử xuất hiện cả ở vùng mặt bệnh nhân.
Ông Cấp cho biết vi khuẩn liên cầu thường trú ở họng heo, gây bệnh trên heo là chính, tuy nhiên trường hợp heo mắc thêm chứng bệnh khác (ví dụ như bệnh tai xanh), vi khuẩn liên cầu sẽ phát tác khiến heo nhiễm thêm một chứng bệnh cơ hội. Người sử dụng thịt heo bệnh có thể nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn trong trường hợp ăn tiết canh heo bệnh, chế biến thịt heo bệnh và nhiễm vi khuẩn thông qua các vết trầy xước trên da, ăn thịt heo bệnh nấu chưa chín kỹ...
Biểu hiện của người nhiễm liên cầu khuẩn có thể gặp là: xuất huyết thành đám dày đặc trên da, đặc biệt là ở chân, lưng (dễ phân biệt với sốt xuất huyết biểu hiện bằng các nốt xuất huyết li ti trên da). Trường hợp liên cầu lợn gây viêm màng não, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu dữ dội, nôn... Gần đây 50% bệnh nhân viêm màng não vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị có căn nguyên từ vi khuẩn liên cầu, một số trường hợp để lại di chứng nghễnh ngãng sau điều trị.
Theo các chuyên gia, thịt heo tai xanh trong thời gian ủ bệnh biểu hiện bệnh không rõ rệt. Trường hợp heo bị bệnh nặng, thậm chí đã chết mà vẫn đem giết mổ thì thịt bị nhão, các hạch sưng, thận bị xuất huyết... Ông Cấp khuyến cáo người dân ở các địa phương có dịch heo tai xanh chỉ nên sử dụng thịt heo có kiểm dịch, không ăn tiết canh, nấu chín kỹ thịt heo và đảm bảo vệ sinh trong khâu giết mổ, chế biến, vận chuyển thịt heo.
* Báo cáo tháng 7-2010 của Bộ Y tế cho biết trong tháng qua đã có 105 bệnh nhân dương tính với bệnh tả, nâng tổng số bệnh nhân tả tính từ đầu năm 2010 lên 196 người, tại 15 địa phương.
Theo Bộ Y tế, khoảng một tuần trở lại đây các tỉnh phía Bắc không xuất hiện thêm bệnh nhân mới, nhưng tại bệnh viện huyện Bến Cầu và Gò Dầu (Tây Ninh) vừa có thêm ba bệnh nhân tả người Campuchia sang điều trị. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc, không dùng nước kênh rạch nhiễm khuẩn rửa chén bát, tắm giặt, nấu ăn...
0 Response to "Tiếp tục xuất hiện bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn"
Post a Comment