Trẻ viêm màng não tăng bất thường

Thời tiết tại TP HCM nắng nóng khiến nhiều bệnh nhi phải nhập viện do viêm não, màng não và một bé trai tử vong.




Ngày 6/4, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 TP HCM điều trị nội trú cho hơn 70 bệnh nhi viêm não, viêm màng não; trong đó có nhiều ca hôn mê nặng. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ dễ bị điếc tai, yếu, liệt chi, động kinh, sống thực vật, tử vong.

Hôn mê 1,5 tháng

Vừa cầm bịch nước làm động tác trị liệu tứ chi cho con gái V.T.D. (7 tuổi, ngụ quận 7) bị hôn mê do viêm màng não, chị H.D. kể lúc đầu thấy bé bị đỏ mắt nên mua thuốc nhỏ nhưng không khỏi. Vài ngày sau, tay chân bé bủn rủn. Hiện đã một tháng rưỡi mà bé vẫn hôn mê nặng, phải thở máy và làm trị liệu để khỏi teo cơ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trong số 50 bệnh nhi đang điều trị viêm não, màng não, có nhiều trường hợp rất nặng. Đáng lo ngại, nhiều trẻ nhập viện quá trễ do nhầm với các bệnh viêm họng, cảm cúm, tiêu chảy, biếng ăn.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong tháng 3, có 44 bệnh nhi nhập viên do viêm não, màng não, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, thời tiết nắng nóng khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, viêm tai giữa, sởi, quai bị, đường ruột,… từ đó siêu vi, vi trùng “trú ngụ” ở các hốc miệng, mũi, tai rồi tấn công lên hệ thần kinh trung ương gây ra các bệnh lý viêm não, màng não.

Chích vaccine để phòng bệnh

Các bác sĩ cho biết viêm não, màng não có nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau và thường xuất hiện ngay trong ngày đầu tiên của bệnh sau khi bị sốt, ho, sổ mũi. Ở trẻ nhỏ thường sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, ngủ nhiều, nôn ói, cổ cứng, thóp phồng căng. Với trẻ lớn, người lớn thường sốt cao, đau đầu, đau gáy, ăn kém, nôn ói, cổ cứng. Riêng trẻ dưới ba tháng tuổi có thể không sốt mà chỉ bỏ bú, khóc thét hay ngủ nhiều.

Tuy nhiên, triệu chứng viêm não, màng não ở giai đoạn nặng thường giống nhau, bệnh nhi lừ đừ, bỏ ăn, co giật, hôn mê. Nếu không được điều trị bệnh sẽ nặng hơn, người bệnh sẽ bị co giật, li bì, hôn mê.

Bác sĩ Quang Vinh tư vấn: hiện nay chỉ có vài loại vaccine có thể phòng ngừa được viêm não, màng não như vaccine phòng viêm màng não do HIB (đây là loại vi trùng gây trên 70% các trường hợp viêm màng não). Ngoài ra, cần chích vaccine ngừa viêm màng não mủ do Meningo týp A + C, viêm não Nhật Bản, chích ngừa vaccine ngừa sởi tránh biến chứng viêm màng não.

Với những trẻ chưa kịp chích ngừa, cha mẹ nên cho trẻ ngủ mùng để tránh mũi chích gây viêm não Nhật Bản và tránh cả bệnh sốt xuất huyết. Nếu trẻ bị viêm mũi họng, chảy mủ tai kéo dài phải chữa trị dứt điểm, tránh kéo dài gây viêm não, màng não. Những lúc thời thay đổi phải giữ ấm cho trẻ, bảo đảm vệ sinh khi ăn uống.

0 Response to "Trẻ viêm màng não tăng bất thường"

Post a Comment

Powered by Blogger