Những điều cần biết về bệnh viêm màng não mô cầu
Hiện nay bệnh viêm màng não do não mô cầu đang xuất hiện và xảy ra trên địa bàn quận Thủ Đức TP.HCM. Mặc dù số trường hợp mắc bệnh chưa nhiều nhưng phần nào cũng làm cho người dân lo ngại, do đó hiểu biết về bệnh cũng là cách để phòng bệnh tốt hơn.
Viêm màng não do não mô cầu là gì?
Là tình trạng bệnh lí do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây ra. Nó thường biểu hiện dưới dạng viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết.
Màng não cầu khuẩn có 9 nhóm A, B, C, D, X, Y, Z, W135, và 29E.Màng não cầu khuẩn thường sống ở vùng mũi họng của bệnh nhân và cũng có tình trạng người lành mang mầm bệnh, nếu tỉ lệ người lành mang mầm bệnh quá cao (> 20% ) thì có nguy cơ xuất hiện dịch. Màng não cầu khuẩn thường sống được khoảng 3 - 4 giờ khi ra ngoài cơ thể và bị tiêu diệt dễ dàng bởi cồn 70 độ hay tia cực tím.
Bệnh lây lan bằng cách nào?
Do cư trú tại vùng mũi họng của bệnh nhân nên vi khuẩn lây lan trực tiếp từ người qua người qua các chất tiết từ đường hô hấp khi ho, hắt hơi bắn ra các giọt nước li ti hay từ các vật dụng trung gian có dính chất tiết của bệnh nhân.
Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người dưới 20 tuổi, nhất là trẻ em từ 6 tháng - 12 tháng.
Thời điểm xảy ra bệnh nhiều nhất ở nước ta là vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa. Dịch bệnh thường xảy ra ở những nơi tập trung đông người, điều kiện vệ sinh thấp kém như nhà trẻ, trường học, khu tập thể, trại lính…
Những dấu hiệu nào cho biết đã bị bệnh?
- Bệnh khởi phát đột ngột với những triệu chứng như cảm cúm như: mệt mỏi, uể oải, đau nhức mình mẩy, đau họng, nhức đầu, ho…
- Sau đó bệnh nhân sốt cao 39 - 40 độ kèm theo lạnh run, nhức đầu dữ dội, nôn ói, đau cơ khớp nhiều dọc theo cột sống và 2 chi dưới.
- Sau khi sốt vài ngày, trên da bệnh nhân xuất hiện các nốt tử ban: đó là các nốt màu đỏ hoặc tím sẫm hình tròn không đều kích thước từ 1mm đến vài cm. Nốt tử ban bằng phẳng với mặt da, đôi khi có dấu hoại tử vùng trung tâm. Nốt tử ban nổi khắp cơ thể nhưng nhiều nhất là ở nách, xung quanh các khớp. Có khi tử ban có dạng bóng nước và lan tràn rộng lớn khắp người, lúc đó cần chú ý bệnh có thể diễn biến sang thể tối cấp có tỉ lệ tử vong rất cao.
- Bệnh nhân có dấu hiệu cổ cứng, thóp phồng (ở trẻ nhũ nhi).
Dấu hiệu thần kinh khu trú và co giật ít thấy trong bệnh do não mô cầu gây ra, bệnh nhân có thể có mê sảng, kích động và sốc.
Những dấu hiệu của thể tối cấp:
- Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ trên bệnh nhân trước đó hoàn toàn bình thường.
- Tay chân lạnh, tím tái
- Bệnh nhân đi vào hôn mê sớm hoặc bị kích động.
- Các nốt tử ban xuất hiện sớm và nhanh chóng lan rộng.
- Tình trạng sốc xảy ra sớm và hay tái phát.
- Thử máu thấy bạch cầu bình thường, bạch cầu trong dịch não tuỷ không tăng.
Tóm lại nên đi khám bệnh ngay khi thấy các dấu hiệu sau đây:
- Bệnh xảy ra đột ngột ở trẻ em > 6 tháng hoặc thanh thiếu niên mà trước đó hoàn toàn khoẻ mạnh (sốt cao, lạnh run, nhức đầu, ói mửa, cứng gáy, thóp phồng ở trẻ nhũ nhi, đau khớp).
- Xảy ra trong thời điểm có nhiều trường hợp bị bệnh viêm màng não do não mô cầu hoặc có tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Tiền căn viêm mũi họng.
- Nổi các nốt tử ban trên da.
Đề phòng:
- Vệ sinh môi trường, giữ nơi ở cho thông thoáng, sạch sẽ.
- Giữ vệ sinh cá nhân: mang khẩu trang khi ra đường, rửa tay chân trước khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với vật dụng nghi bị nhiễm mầm bệnh.
- Khi có dịch bệnh không nên tập trung ở những nơi đông đúc, chật chội.
- Cách ly người bệnh trong buồng riêng ở bệnh viện.
- Chủng ngừa bệnh cho não mô cầu nhóm A và C (nhóm đang gây bệnh hiện nay ở miền Nam nước ta), đây là phương pháp đề phòng hữu hiệu nhất.
- Uống thuốc ngừa khi cần thiết phải đi vào vùng có dịch bệnh. Thuốc thường dùng thuộc nhóm Quinolone như Ciprofloxacine 500mg ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên , uống trong 5 ngày, có thể tác dụng hơn 13 ngày sau khi ngưng uống thuốc.
BS NGUYỄN ĐÌNH SANG
0 Response to "Những điều cần biết về bệnh viêm màng não mô cầu"
Post a Comment