Giao mùa, cảnh giác với bệnh viêm màng não ở trẻ

PGS.TS Phạm Nhật An cho hay: Trẻ con bị hắt hơi, cảm sốt… là chuyện rất thường gặp và ít người nghĩ tới chuyện xấu cho con mình. Nhưng với một đứa trẻ, ngay từ việc bú kém, bỏ bú… đã có thể là dấu hiệu ban đầu của một căn bệnh nghiêm trọng, trong đó có viêm màng não mủ. "Việc các bà mẹ tự ý cho con uống thuốc có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh ở trẻ, khiến bác sỹ khó chẩn đoán sớm và chính xác", TS An nói.

Thời tiết giao mùa đang là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh lây qua đường hô hấp ở trẻ em gia tăng, trong đó nguy hiểm và nổi bật nhất là bệnh viêm màng não mủ. Hiện có nhiều bệnh nhi viêm màng não mủ đang phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch. Viêm màng não là bệnh dễ để lại cho trẻ những di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong và có thể phòng tránh được bằng vaccin, nhưng rất nhiều phụ huynh còn thiếu hiểu biết, tùy tiện dùng thuốc và để trẻ nhập viện muộn.
Gia tăng bệnh nhi viêm màng não thể nặng

Những ngày này, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương luôn có 12-15 trẻ bị viêm màng não mủ, cháu nhỏ nhất mới chỉ 2 tháng tuổi. Điều đau lòng là hầu hết các cháu đều ở thể bệnh nặng. Nằm trên giường bệnh, bé Nguyễn Tiến H., 10 tuổi (ở TP Nam Định - Nam Định) luôn miệng kêu la: "Đau quá! Mẹ ơi, đau quá!", chân tay khua khoắng, mắt vô hồn. Miệng kêu đau, gọi mẹ, nhưng thực tế, bé H. đã rơi vào tình trạng vô thức.

Mẹ cháu H., chị Bùi Thị T. cho biết, từ nhỏ H. vốn khỏe mạnh, ít bị ốm đau. Cách đây khoảng 3 tuần, cháu có biểu hiện sốt, chảy nước mũi, đau đầu. Chị tưởng bé bị cảm cúm nên cho cháu uống thuốc hạ sốt. Một tuần sau cháu vẫn không đỡ, chị đưa con vào bệnh viện gần nhà điều trị, nhưng cả 10 ngày mà bệnh vẫn không giảm. Sau đó, bé H. phải vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng cấp cứu và được phát hiện mắc viêm màng não mủ thể nặng điển hình. 



PGS.TS Phạm Nhật An, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Viêm màng não là bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng ở trẻ và thay đổi theo lứa tuổi. Ngay cả bác sỹ chuyên khoa cũng cần theo dõi trẻ chặt chẽ, huy động kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm… mới đưa ra được chẩn đoán chính xác.

Trẻ có thể khởi bệnh với các biểu hiện rất khác nhau như sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, quấy khóc, nôn trớ… Vì thế các bà mẹ rất dễ nhầm trẻ bị viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy… và bỏ qua bệnh chính là viêm màng não mủ. Việc các bà mẹ tự ý cho con uống thuốc có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh ở trẻ, khiến bác sỹ khó chẩn đoán sớm và chính xác viêm màng não mủ.

Mặc dù hiện đã có nhiều loại thuốc đặc hiệu cho viêm màng não mủ và có các biện pháp hỗ trợ nâng cao thể lực cho bệnh nhi, song với các trường hợp bệnh thể nặng và nhập viện muộn thì sự can thiệp của bác sỹ sẽ rất khó đạt được kết quả khả quan. Trẻ bị viêm màng não mủ có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng nặng như giảm vận động, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, áp xe não, điếc, nghễnh ngãng…

Tăng cường phòng bệnh cho trẻ ở lớp học

Theo các chuyên gia, ở nước ta, tác nhân gây viêm màng não mủ ở trẻ em chủ yếu do vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra. Hib có thể lây truyền từ trẻ này sang trẻ khác qua tiếp xúc thông qua hạt nước bọt bắn ra khi trẻ ho, hắt hơi, hoặc qua đồ chơi, vật dùng mà trẻ thường cho vào miệng. Mọi trẻ em đều có thể bị lây nhiễm Hib, nhưng trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo thường có nguy cơ lây bệnh cao hơn.

Chính vì thế, vào thời điểm chuyển mùa này, các mẹ, các cô nên chú ý vệ sinh môi trường sinh hoạt cho trẻ, tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ và cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường thì nên cho trẻ đi khám bác sỹ chuyên khoa sớm, nếu cần, cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan.

Chúng tôi xin mượn những lời chia sẻ chân tình của PGS.TS Phạm Nhật An thay cho lời kết bài viết này: Trẻ con bị hắt hơi, cảm sốt… là chuyện rất thường gặp và không ai muốn nghĩ tới chuyện xấu cho con mình. Nhưng với một đứa trẻ, ngay từ việc bú kém, bỏ bú… đã có thể là dấu hiệu ban đầu của một căn bệnh nghiêm trọng, trong đó có viêm màng não mủ. Các bà mẹ nên bỏ ngay thói quen nguy hiểm tự "chẩn bệnh", tự mua thuốc "điều trị" cho con, mà hãy nhường lại phần việc ấy cho các bác sỹ có chuyên môn!

Nguy cơ gia tăng các bệnh phát ban

Theo PGS.TS Phạm Nhật An, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian tới, các bệnh phát ban như sởi, rubella… sẽ tiếp tục có nguy cơ gia tăng.

Ngoài các lý do môi trường, thời tiết… thì theo chu kì dịch tễ, năm nay là thời điểm bệnh phát ban sẽ bùng phát nhiều hơn các năm trước. Đặc biệt, diễn biến gia tăng phức tạp của các bệnh phát ban thời gian qua đang làm tích lũy số người mang trùng tăng cao, gây nguy cơ lây lan rộng.

Tuy nhiên, ngoài nhóm bệnh phát ban, còn có các bệnh nhân có biểu hiện phát ban do bệnh khác. Phân biệt và điều trị đúng cho các trường hợp bệnh này là điều rất khó với người không có chuyên môn. Do đó, các bậc phụ huynh nên tăng cường phòng bệnh cho trẻ, vệ sinh môi trường, nhà cửa, không tự ý cho trẻ uống thuốc và đưa trẻ đi khám sớm khi có biểu hiện bất thường.

0 Response to "Giao mùa, cảnh giác với bệnh viêm màng não ở trẻ"

Post a Comment

Powered by Blogger