Đã xuất hiện viêm màng não mô cầu
Viêm màng não do não mô cầu, bệnh thường gặp vào mùa đông-xuân, đã xuất hiện tại một số địa phương. Thạc sỹ, bác sĩ Phạm Anh Tuấn – Khoa Dịch tễ (Viện Vệ sinh dịch tễ TW) cho biết rõ hơn về bệnh này.
Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Người ta chia chúng thành 13 nhóm nhưng những nhóm hay gây bệnh là: A, B, C, Y và W-135.
Ở Việt Nam, vi khuẩn nhóm A gây dịch là chủ yếu. Một điều ít ngờ là ở những nơi bệnh lưu hành, người ta phát hiện thấy từ 5-10% hầu họng người lành cũng có vi khuẩn nhưng không gây bệnh.
Còn trong vụ dịch, có tới trên 25% số người nhiễm vi khuẩn không có triệu chứng viêm màng não và khoảng trên 50% số người khoẻ mang vi khuẩn.
Bệnh có biểu hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
Vì là một bệnh cấp tính nên các triệu chứng, biểu hiện của bệnh rất đột ngột. Sau khi ủ bệnh khoảng 3-4 ngày, trẻ em hay người bệnh đột nhiên sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng, mắt nhạy cảm với ánh sáng và có thể có ban xuất huyết như chấm hồng hoặc mụn nước.
Người bệnh cảm thấy mệt lử rất nhanh, có thể có biểu hiện lơ mơ hoặc hôn mê, thậm chí xuất hiện mảng xuất huyết và xảy ra sốc.
Do đó, trong trường hợp nghi ngờ người thân bị bệnh, gia đình cần khẩn trương đưa ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế thích hợp vì nếu không điều trị sớm, tỷ lệ tử vong có thể lên tới trên 50%.
Tỷ lệ tử vong rất cao nếu bị nhiễm khuẩn huyết mặc dù được dùng thuốc kháng sinh sớm. Ngược lại, nếu phát hiện và điều trị sớm bằng kháng sinh nhạy cảm, tỷ lệ tử vong sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 5%-15%.
Do đó, khi chẩn đoán bệnh nghĩ đến bệnh viêm màng não do não mô cầu thì phải điều trị ngay tức khắc, kể cả trước khi có kết quả chẩn đoán xác định từ xét nghiệm.
Kháng sinh được sử dụng là penixilin G bằng đường uống, ampixilin, ceftriasone. Nếu vi khuẩn đã kháng thuốc, có thể sử dụng thuốc kháng sinh khác mà vi khuẩn vẫn còn nhạy cảm.
Bệnh viêm màng não do não mô cầu lây truyền theo đường nào?
Bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể xảy ra ở bất cứ đâu, thường hay gặp trong điều kiện sống chật hẹp.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các hạt nước bọt và các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Tuy nhiên, sức đề kháng của vi khuẩn với môi trường rất yếu nên không thể tồn tại lâu trong dịch tiết này.
Nếu người bệnh được điều trị bằng kháng sinh mà vi khuẩn còn nhạy cảm, vi khuẩn ở mũi họng sẽ biến mất sau 24 giờ. Bệnh hầu như không lây do tiếp xúc với đồ vật.
Bác sĩ cho biết những ai cần tiêm phòng và tiêm phòng như thế nào?
Vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu được chỉ định tiêm cho những người có nguy cơ bị bệnh cao (ví dụ người hiện đang sống trong vùng có vụ dịch xảy ra, những người đi du lịch tới các vùng đang có dịch).
Không cần thiết phải tiêm cho tất cả trẻ nhỏ bởi vaccine không có hiệu lực cao với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi. Tuy vậy, cha mẹ trẻ nên đưa con đi tiêm nếu trẻ có nguy cơ bị bệnh cao.
Một trong những điểm cần lưu ý là tuổi của người được tiêm phòng vaccine.
Vaccine Mennigo AC của hãng Sanofi Pasteur đang được lưu hành tại Việt Nam hiện nay có thể giúp phòng bệnh do vi khuẩn nhóm A và C, có thể tiêm được cho trẻ từ 18 tháng trở lên nhưng để có đáp ứng miễn dịch tốt nhất, nên tiêm cho trẻ trên 2 tuổi.
Sau khi tiêm vaccine khoảng 7-10 ngày, nồng độ kháng thể đạt tới mức đủ để bảo vệ người được tiêm.
Đối với những trẻ từ 2 - 5 tuổi, nồng độ kháng thể chống lại vi khuẩn týp A và C giảm đáng kể sau 3 năm nếu tiêm 1 mũi duy nhất. Còn ở những người lớn khỏe mạnh, mức độ kháng thể cũng giảm nhưng vẫn còn đủ để phát hiện tới 10 năm sau khi tiêm vaccine.
Dù vaccine được cho là có tác dụng bảo vệ ít nhất 3 năm với trẻ độ tuổi đi học và người lớn nhưng hiệu lực của vaccine đối với týp A giảm một cách đáng kể đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Một nghiên cứu cho thấy hiệu lực của vaccine giảm từ hơn 90% xuống còn dưới 10% trong vòng 3 năm với trẻ được tiêm vaccine lúc dưới 4 tuổi.
Đối với cả trẻ em và người lớn, vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu được chỉ định tiêm bắp với 1 liều duy nhất 0,5 ml. Vaccine có thể được tiêm đồng thời với các loại vaccine khác nhưng tiêm ở những vị trí khác nhau.
Nhiều người lo ngại tiêm vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu có tác dụng phụ gì không?
Những phản ứng sau khi tiêm vaccine não mô cầu thường rất nhẹ. Một số người có thể cảm thấy đau, đỏ nơi tiêm. Những biểu hiện này thường mất đi sau 1 đến 2 ngày, gặp ở khoảng 5-10% số người được tiêm vaccine.
Các phản ứng toàn thân như đau đầu, mệt mỏi được báo cáo trong mức 2-5% số người được tiêm. 3% trường hợp tiêm có thể bị sốt nhẹ.
Những phản ứng nặng như phản ứng dị ứng (quá mẫn, mày đay, khó thở…), lơ mơ và những phản ứng thần kinh (động kinh, mất cảm giác) rất hiếm gặp.
Vaccine này cũng không dùng cho người có phản ứng dị ứng nặng với 1 thành phần của vaccine hay bị phản ứng nặng sau lần tiêm đầu. Phụ nữ có thai, đang cho con bú hay dùng thuốc ức chế miễn dịch không phải là những chống chỉ định tiêm vaccine.
Xin cảm ơn bác sĩ
--------------------------
Tiêm nhắc lại có thể được chỉ định cho những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao (ví dụ người hiện đang sống trong vùng có vụ dịch xảy ra), đặc biệt là những trẻ khi được tiêm liều vaccine thứ nhất lúc dưới 4 tuổi.
Những trẻ này nên được tiêm nhắc lại sau 2-3 năm nếu chúng vẫn có nguy cơ bị bệnh cao. Sự cần thiết của việc tiêm nhắc đối với trẻ lớn và người lớn tới nay vẫn chưa được làm rõ nhưng các nghiên cứu cho thấy nồng độ kháng thể bảo vệ trong máu giảm nhanh sau 2-3 năm.
Do đó, nếu vẫn có chỉ định tiêm vaccine, những đối tượng này nên tiêm nhắc lại sau mũi 1 từ 3-5 năm.
0 Response to "Đã xuất hiện viêm màng não mô cầu"
Post a Comment